Cách mạng công nghiệp 4.0 tới dịch vụ công quốc gia

Từ khóa: Dịch vụ công quốc gia, cách mạng công nghiệp 4.0, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo.
Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích tác động của hai thành tựu lớn mà Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại – Dữ liệu lớn và Trí tuệ nhân tạo tới dịch vụ công quốc gia, chỉ ra những triển vọng cũng như thách thức mà Nhà nước phải đối mặt để cải thiện hơn nữa chất lượng dịch vụ công.        
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) cho dịch vụ công hay trực tiếp hơn là các thành tựu của nó đang tác động mạnh tới hầu hết các khía cạnh, lĩnh vực của đời sống. Một điểm chung của tất cả các cuộc cách mạng công nghiệp đó là sự gia tăng nhanh chóng của năng suất, hiệu quả lao động. Vì vậy, có thể nói rằng, thành quả của cuộc CMCN 4.0  này sẽ là một xã hội với nhiều tiện ích và giá trị hơn. Tuy nhiên, đặc thù của CMCN 4.0 là tính “ảo”, tức là đối tượng, phạm vi và môi trường chủ yếu của nó xoay quanh các thực tại phi con người, thậm chí hướng tới thay thế con người. Điều đó cũng tạo ra những thách thức nhất định trong việc kiểm soát chúng, sao cho chính những thành quả của cuộc cách mạng này không bị lợi dụng để gây hại tới con người. Đối với lĩnh vực dịch vụ công quốc gia, một trong những đặc trưng của nó là tính đa dạng, hướng tới nhiều thành phần, đối tượng khác nhau và có tầm bao phủ rất rộng. Dịch vụ công, trước hết là một dịch vụ cho nên nó cần sự tiện lợi, nhanh chóng, hiệu quả. Tuy nhiên, tính chất “công” của nó vừa đòi hỏi sự bất vụ lợi lại vừa gắn chặt với nhu cầu quản lý của Nhà nước. Dù trên góc độ nào thì chắc chắn những thành quả của cuộc CMCN 4.0  sẽ có tác động lớn tới dịch vụ công quốc gia.

1. Dữ liệu lớn và dịch vụ công quốc gia

Một trong những thành tựu vĩ đại mà cuộc CMCN 4.0 mang đến chính là Dữ liệu lớn (Big data). Dữ liệu lớn, nói một cách đơn gian, chính là sự giao thoa giữa Cách mạng công nghiệp lần thứ ba và thứ tư. Điều đó thể hiện ở chỗ, với khả năng số hóa dữ liệu đã được tạo nên nhờ máy tính, Internet là những thành tựu chủ yếu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba, thì nhân loại đã tạo nên một kho lưu trữ khổng lồ các dữ liệu. CMCN 4.0 ra đời đã tiến hơn một bước trong việc xử lý khối dữ liệu này nhằm ứng dụng vào thực tế. Tức là, từ một tập hợp dữ liệu thông thường tới cái được gọi là Dữ liệu lớn cần không chỉ một khối lượng lớn dữ liệu mà ở “điều chúng ta có thể làm với chúng ngay lúc này”. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, trong dịch cúm H1Nnăm 2009 cho thấy, việc xử lý Dữ liệu lớn đem lại hiệu quả hơn so với dữ liệu truyền thống là, trong khi thông tin được tổng hợp từ các phòng khám và các cơ quan y tế địa phương thường chậm trễ và khiến cơ quan trung ương không đánh giá được mức độ lây lan của bệnh thì các chuyên viên của Google đã dùng các thuật toán để phỏng đoán mức độ lây lan dựa trên lượt tìm kiếm của người dùng.

Bảng 1. Vai trò của Dữ liệu lớn với chính quyền

Untitled1_2.png
Đặc trưng của Dữ liệu lớn thể hiện ở một số điểm như: (1) Dung lượng lớn và tăng một cách mạnh mẽ; (2) Tốc độ xử lý cao; (3) Đa dạng với nhiều nguồn; và (4) Có giá trị tiềm ẩn to lớn. Từ những đặc trưng trên có thể đặt ra những câu hỏi gắn với chủ đề nghiên cứu: Ai sở hữu Dữ liệu lớn? Ai có nhu cầu sử dụng Dữ liệu lớn? và Dữ liệu lớn có thể mang lại điều gì. Đối với khối tư nhân, điều đó có thể rất rõ ràng. Các công ty, doanh nghiệp trong hoạt động của mình có thể tự thu thập các dữ liệu khác nhau về khách hàng, sản phẩm, đối tác, thậm chí chính nội bộ của mình hoặc họ có thể mua dữ liệu từ nơi khác. Họ có nhu cầu sử dụng các dữ liệu này trong hoạt động kinh doanh, Marketing, quản trị nhân sự để góp phần giải quyết các câu hỏi cơ bản như sản xuất cái gì, quy mô bao nhiêu, v.v.. Đối với khối dịch vụ công, triển vọng áp dụng Dữ liệu lớn cũng rất rõ nét. Đầu tiên, Nhà nước là tổ chức sử dụng quyền lực công và nắm giữ trong tay một khối lượng dữ liệu rất lớn về người dân. Các dữ liệu này cũng rất đa dạng bởi hoạt động quản lý hành chính diễn ra trên hầu như các mặt của đời sống xã hội. Tiếp theo, Dữ liệu lớn có thể áp dụng trên nhiều khía cạnh của chính quyền. Bảng sau cho thấy điều đó:
Đối với các dịch vụ công cộng, rất nhiều ví dụ có thể đưa ra nhằm làm rõ lợi ích của Dữ liệu lớn như: (1) Trong giao thông, Nhà nước có thể thiết lập các cảnh báo về thời tiết, tắc đường, tình trạng đường xá một cách cập nhật nhất thông qua dữ liệu từ camera giao thông, phản ánh qua điện thoại, mạng xã hội, v.v..; (2) Trong việc làm, Nhà nước có thể nắm bắt nhu cầu về bảo hiểm xã hội, an sinh để đưa ra các loại hình bảo hiểm, trợ cấp phù hợp; (3) Trong y tế, Nhà nước có thể nắm bắt tình trạng sức khỏe xã hội để điều tiết sản xuất thuốc, vắc-xin. Cần phải thấy rằng, Nhà nước sở hữu một nguồn dữ liệu khổng lồ về dân cư, doanh nghiệp, tài nguyên, v.v.. Tất cả những dữ liệu này có thể được sử dụng một cách hiệu quả nếu Nhà nước biết cách vận dụng và tích hợp nó. Đặc biệt, trong các lĩnh vực đòi hỏi phải tích hợp nhiều loại dữ liệu như bảo hiểm (nhân khẩu học, hành vi, kinh tế xã hội, sức khỏe, sinh trắc học), ứng dụng của Dữ liệu lớn lại ngày càng trở nên quan trọng. Vì vậy, có thể khẳng định, triển vọng của áp dụng Dữ liệu lớn trong dịch vụ công là hết sức rõ ràng. Vấn đề đặt ra trong trường hợp này là áp dụng như thế nào. Trong từng lĩnh vực lại có những đặc thù riêng đòi hỏi phương thức xử lý dữ liệu riêng. Vì vậy, chúng ta có thể chỉ ra các phương hướng một cách chung nhất như sau: (1) Cần xây dựng hệ thống thu thập, lưu trữ, kết nối nguồn dữ liệu tiên tiến, thống nhất và cập nhật hóa; (2) Trong từng lĩnh vực các cơ quan, đơn vị phải chủ động xử lý nguồn dữ liệu, và nếu cần thiết phải có trung tâm chuyên môn trợ giúp; và (3) Việc chia sẻ, tích hợp dữ liệu phải được thực hiện với cơ chế nhanh chóng, trong đó cần có sự tham gia của khối tư nhân.
Bên cạnh những triển vọng, việc ứng dụng Dữ liệu lớn cũng có nhiều thách thức, chủ yếu trên ba mảng lớn: (1) Quản lý Dữ liệu lớn; (2) Bảo đảm chất lượng dữ liệu; và (3) Các lo ngại về đạo đức, riêng tư. Cụ thể, việc quản lý một khối lượng dữ liệu rất lớn đặt ra nhiều vấn đề về công nghệ, cơ sở hạ tầng, nguy cơ bị ăn cắp dữ liệu. Đặc biệt, trong bối cảnh khối lượng dữ liệu ngày càng tăng với khối lượng và đa dạng về phạm vi, cách thức phân tích, xử lý nó cũng trở nên phức tạp và tốn kém hơn. Những công việc trên đòi hỏi sự bao quát cao đối với khối dữ liệu mà đôi khi cần rất nhiều chuyên gia mới có thể thực hiện được. Trong trường hợp này, sự tham gia từ phía tư nhân là rất quan trọng nhưng đôi khi họ lại gặp những cản trở nhất định khi phải xử lý những thông tin nhạy cảm. Đối với việc bảo đảm chất lượng dữ liệu, đây là một câu hỏi lớn gây đau đầu cho tất cả những ai vận dụng và xử lý Dữ liệu lớn. Để so sánh, người ta thường dùng hình ảnh “rác” và “vàng” để nói đến điều này. Tức là, trong số rất nhiều dữ liệu thì các dữ liệu mang lại giá trị thực sự không “lộ thiên” mà nằm ẩn trong số rất nhiều dữ liệu vô giá trị.
Sơ đồ sau cho thấy một số vấn đề do dữ liệu chất lượng thấp tạo ra trên cơ sở khảo sát tỷ lệ người cho rằng đó là vấn đế lớn nhất.
Untitled1_3.png
Cải thiện chất lượng dữ liệu sẽ có ảnh hưởng tích cực, thậm chí đến việc người sử dụng có lựa chọn ứng dụng Dữ liệu lớn trong hoạt động của mình hay không. Để làm được điều đó, chỉ có cách là cải thiện hơn nữa các công cụ thu thập, xử lý dữ liệu và tiến hành kiểm soát thường xuyên.
Thách thức cuối cùng được nhắc tới là vấn đề đạo đức và quyền riêng tư. Trong bối cảnh ngày nay, quyền riêng tư với dữ liệu cá nhân được cả pháp luật quốc tế lẫn các quốc gia bảo vệ nghiêm ngặt để tránh sự lạm dụng chúng. Tuy vậy, cùng với sự bùng nổ của thông tin, rất nhiều vụ việc nổi bật hiện đang gây ra tranh cãi về việc thu thập, sử dụng dữ liệu mang tính riêng tư, điển hình như vụ việc của facebook hay các doanh nghiệp công nghệ ở Trung Quốc. Thông tin, dữ liệu được coi như một nguồn tài nguyên và cũng là một thứ quyền lực. Với việc Nhà nước có thể thu thập và sử dụng một khối lượng thông tin to lớn, nguy cơ lạm quyền trở nên rất cao. Để đảm bảo không có sự lạm quyền từ phía Nhà nước, cần có các cơ chế pháp lý cũng như các thiết chế xã hội có chức năng giám sát. Đây vừa là một thách thức lại vừa là một triển vọng cho pháp luật về dịch vụ công quốc gia trong bối cảnh mới.

2. Trí thông minh nhân tạo và dịch vụ công quốc gia

Một thành tựu quan trọng khác của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện đang làm thay đổi nhân loại đó chính là Trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence – AI). Điểm khác biệt giữa Trí thông minh nhân tạo với một phần mềm hay một thuật toán máy tính thông thường đó là máy tính không chỉ thực hiện những mệnh lệnh đơn thuần mà có khả năng mô phỏng lại quá trình suy nghĩ của con người. Máy móc không chỉ biết “làm” mà còn biết “học”, và nhờ thế chúng ngày càng trở nên thông minh hơn. Trong bối cảnh máy móc đã dần trở nên phổ biến, việc phát minh ra Trí thông minh nhân tạo có thể tiến tới cải hóa toàn bộ các phương diện của đời sống. Bất cứ nơi nào có máy tính, nơi đấy có thể ứng dụng Trí thông minh nhân tạo, mà máy tính thì đang được ứng dụng khắp mọi nơi. Vì vậy, ứng dụng của nó không chỉ mang tính đơn lẻ mà còn có thể kết nối thành một mạng lưới, chẳng hạn như xây dựng cả một thành phố thông minh. Các lĩnh vực đi đầu trong ứng dụng Trí thông minh nhân tạo có thể kể tới như Điện thoại thông minh, Logistics, Thương mại điện tử, Khoa học vũ trụ, Khoa học quốc phòng với một nguồn lợi to lớn. Sơ đồ sau cho thấy sự đóng góp hiện tại cũng như dự kiến đến năm 2025 của Trí thông minh nhân tạo trong thương mại toàn cầu.

Sơ đồ 2. Đóng góp của Trí thông minh nhân tạo (đvt: 1.000.000$)

Untitled1_4.png
Những con số trên phần nào phản ánh một triển vọng to lớn của Trí thông minh nhân tạo khi nó được ứng dụng ngày càng rộng rãi. Ở Việt Nam, chủ đề này đã dành được một sự quan tâm khá lớn với hàng nghìn công bố khoa học quốc tế, mở rộng đào tạo về Trí thông minh nhân tạo, sự ra đời của các phòng thí nghiệm chuyên về vấn đề này. Trong bối cảnh đó, chắc chắn lĩnh vực dịch vụ công cũng có thể tận dụng được những thành quả to lớn mà Trí thông minh nhân tạo mang lại. Điều đó thể hiện ở những khía cạnh như:
– Đối với các dịch vụ công cộng, công ích; đây là những lĩnh vực mà bên cạnh vai trò của Nhà nước còn có sự tham gia của giới tư nhân. Trong bối cảnh cạnh tranh tự do, các dịch vụ này ngày càng được cải thiện nhằm làm khách hàng hài lòng hơn. Chẳng hạn trong lĩnh vực y tế, các “trợ lý ảo” có thể giúp bác sĩ và bệnh nhân điều trị tốt hơn; trong giáo dục, Trí thông minh nhân tạo có thể hỗ trợ đánh giá kết quả học tập, thúc đẩy tương tác giữa người dạy, người học, phụ huynh. Nếu như giới tư nhân có động lực là lợi nhuận thì rõ ràng khả năng và nhu cầu ứng dụng Trí thông minh nhân tạo của họ là lớn hơn. Vì vậy, nếu các cơ sở cung cấp dịch vụ công ích của Nhà nước không có sự ứng dụng kịp thời thì nguy cơ tụt hậu là chắc chắn có thể xảy ra.
– Đối với các dịch vụ hành chính công, ứng dụng của Trí thông minh nhân tạo có thể được sử dụng để làm giảm bớt thủ tục hành chính, giải đáp thắc mắc của người dân, hỗ trợ nhân viên của Nhà nước trong công việc. Bên cạnh đó, thông qua việc tập hợp, xử lý các dữ liệu liên quan về mức độ hài lòng của người dân, hiệu quả và thời gian giải quyết công việc, Trí thông minh nhân tạo có thể giúp những nhà hoạch định chính sách tìm ra những cách cải thiện quy trình, thủ tục trong lĩnh vực này. Đặc biệt, Trí thông minh nhân tạo có thể giúp các cơ quan nhà nước quản lý nhanh chóng một khối lượng rất lớn thông tin của người dân, trên mọi mặt như hộ chiếu, căn cước công dân, biển số xe, v.v..
Bên cạnh những lợi ích nêu trên, động lực để các nhà nước trên thế giới ứng dụng Trí thông minh nhân tạo vào hoạt động của mình bao gồm: (1) Tự động hóa để giải quyết nhu cầu của người dân muốn có phản ứng nhanh chóng từ chính quyền mà không phải chờ đợi quá lâu; (2) Trong bối cảnh già hóa dân số, khu vực công trở nên thiếu hụt nhân lực và cần sự trợ giúp từ Trí thông minh nhân tạo. Ngoài ra, có thể thấy, việc Nhà nước đầu tư cho Trí thông minh nhân tạo thông qua các dịch vụ công chính là cách để tạo ra một nền hành chính hiệu quả hơn, phục vụ đắc lực cho người dân, doanh nghiệp và qua đó thúc đẩy cho toàn bộ nền kinh tế phát triển. Một lý do nữa được chỉ ra là, khi công việc có thể giải quyết nhanh chóng hơn, bộ máy hành chính có thể được giảm nhẹ và tiền thuế của người dân sẽ được sử dụng một cách hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích mà Trí thông minh nhân tạo mang lại, chúng ta cũng cần nhận thức đến những nguy cơ của nó trong đời sống. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, “mặt tối” của Trí thông minh nhân tạo đến trước hết từ góc độ kinh tế khi việc máy móc làm thay con người có thể dẫn tới tình trạng thất nghiệp. Trong lĩnh vực dịch vụ công ích, chúng tôi cho rằng, Trí thông minh nhân tạo sẽ góp phần làm chuyển dịch cơ cấu của các đơn vị cung cấp dịch vụ công ích từ phía Nhà nước sang tư nhân. Điều này là dễ hiểu bởi trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển, khối tư nhân sẽ nhận ra lợi nhuận từ các dịch vụ công ích vốn do Nhà nước chủ yếu đảm trách và tăng cường đầu tư vào đây. Với một cơ chế vận hành nhanh gọn, thông thoáng và hướng tới lợi nhuận, hiệu quả của họ chắc chắn sẽ cao hơn khối nhà nước. Đặc biệt, trong xu hướng phát triển hiện nay, Nhà nước chỉ nên cung cấp những dịch vụ mà “rõ ràng là được ưa chuộng nhưng lại không được cung cấp bởi các doanh nghiệp cạnh tranh bởi vì điều đó là vừa khó vừa không thể để đáp ứng những lợi ích cá nhân của họ. Chẳng hạn như các dịch vụ vệ sinh và sức khỏe, xây dựng và bảo dưỡng đường xá…”. Xu hướng chuyển dịch này chắc chắn sẽ là một thách thức đối với Nhà nước khi nó phải từ bỏ bớt vai trò của mình. Ngoài ra, nguy cơ Trí thông minh nhân tạo có thể được sử dụng như một công cụ tội phạm cũng khiến Nhà nước phải tăng cường bảo mật hơn bởi nếu hệ thống dịch vụ công phụ thuộc hoàn toàn vào Trí thông minh nhân tạo bị tê liệt, nó có thể làm ngưng trệ những hoạt động quan trọng nhất của xã hội.

3. Kết luận và hàm ý tới Việt Nam

CMCN 4.0 mang đến một động lực mới mẻ không chỉ cho những cải cách ở khu vực tư nhân mà ở cả khu vực công mà trong đó bao hàm lĩnh vực dịch vụ công quốc gia. Mặt biểu hiện rõ ràng nhất của điều đó chính là ở chỗ những thành tựu của cuộc cách mạng này đem lại rất nhiều lợi ích, cả về kinh tế lẫn xã hội. Nắm bắt được điều này, Việt Nam đã và đang có những bước đi mạnh mẽ hơn để ứng dụng nó, điển hình như dự án thành phố thông minh của Hà Nội, hay tham vọng hơn là một Chính phủ Trí thông minh nhân tạo (AI-Government) cũng dần được quan tâm. Khác với lĩnh vực tư nhân, dịch vụ công là một khía cạnh rất đặc biệt mà sự ứng dụng của Dữ liệu lớn cũng như Trí thông minh nhân tạo ở Việt Nam có thể đến với những xu hướng như sau:
 Tăng cường tính chuyên nghiệp của bộ máy hành chính
 Giữa quản lý hành chính và dịch vụ công có mối liên hệ rất chặt chẽ. Điều này thể hiện ở chỗ thông qua các dịch vụ công, đội ngũ quản lý hành chính nhà nước có thể nắm bắt thực tế đời sống và triển khai công việc của mình một cách hiệu quả hơn. Khi dịch vụ công được ứng dụng khoa học và trở nên chuyên nghiệp hơn thì kéo theo đó là đội ngũ quản lý hành chính cũng phải chuyên nghiệp. Điều này sẽ giúp khắc phục sự chồng chéo giữa bộ máy chính trị và hành chính, từ đó tách biệt hai bộ phận này nhằm đảm bảo những yêu cầu của hành chính công truyền thống.
– Giảm nhẹ và thu gọn bộ máy hành chính
Cùng với việc máy móc ngày càng thay thế con người một cách hiệu quả hơn và sự tham gia của khối tư nhân khiến Nhà nước bị phá thế độc quyền trong việc cung cấp các dịch vụ công, bộ máy hành chính sẽ được thu gọn dần. Bên cạnh đó, nó cũng góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của nhà quản lý theo hướng Nhà nước không làm hộ, làm thay hay can thiệp quá nhiều vào đời sống xã hội mà phải mở đường cho khối tư nhân tham gia và đóng những vai trò nhất định.
– Hướng tới minh bạch và chống tham nhũng
 Trong lĩnh vực dịch vụ công, sự thiếu minh bạch và tình trạng tham nhũng là một đe dọa lớn. Hiện tượng tham nhũng trong các cơ sở cung cấp dịch vụ công ích của Nhà nước như bệnh viện, trường học vẫn xảy ra thường xuyên. Ngay cả các dịch vụ hành chính công như cấp giấy tờ pháp lý cũng là một “địa bàn” của tham nhũng. Việc ứng dụng máy móc, công nghệ sẽ khiến các hoạt động này trở nên minh bạch hơn khi người dân tiếp cận dễ dàng với các thủ tục và có thể phản ánh lại những hành vi tham nhũng một cách dễ dàng hơn.
– Cuối cùng, thách thức cơ bản trong việc ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng này là cách thức chúng ta triển khai nó
Hiện nay, sự chênh lệch về trình độ kinh tế xã hội giữa các vùng miền là một điều cần phải tính tới. Trong khi các thành phố, đô thị lớn đang dành nhiều khoản đầu tư cho Dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo thì điều này vẫn còn xa vời đối với nhiều địa phương. Vì vậy, để khắc phục vấn đề này, chúng ta cần xây dựng cơ chế đặc thù để các địa phương có thể tìm cách ứng dụng những thành tựu của cuộc CMCN 4.0 theo đúng nhu cầu và tình hình của địa phương mình./.

THS. ĐẬU CÔNG HIỆP

Khoa Pháp luật Hành chính Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội

Chữ ký số dịch vụ công quốc gia | Chữ ký Doanh Nghiệp | Chữ ký khai thuế Trực tuyến