Chờ một cơ chế hành chính hải quan đơn giản hơn

haiquanmotcua 1

Ngành Hải quan đã có những bước tiến vượt bậc trong việc cải cách, hiện đại hóa thủ tục hành chính hải quan , tuy nhiên, bà Hương Vũ, Phó Tổng Giám Đốc EY Việt Nam vẫn mong chờ vào một cơ chế hải quan đơn giản và minh bạch. 

Đó là “tâm sự” của đại diện EY Việt Nam (Ernst & Young Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực kiểm toán và tư vấn được cấp giấy phép thành lập tại Việt Nam năm 1992) với phóng viên báo Hải quan khi trao đổi về công cuộc cải cách, hiện đại hóa ngành Hải quan. Bà Hương Vũ cho biết, trong thời gian gần đây, Hải quan Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong việc đơn giản, hiện đại hóa thủ tục kê khai hải quan, nhằm phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng và bắt nhịp với sự phát triển của hải quan trên thế giới. Cụ thể, phương thức thực hiện thủ tục hải quan đã được thay đổi căn bản, từ phương thức truyền thống, bán điện tử sang phương thức điện tử thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS hiện đại, đơn giản và nhanh gọn. Hệ thống VNACCS/VCIS tập trung cả ba khâu là khâu trước, trong và sau thông quan.

Không chỉ dừng ở đó, Hệ thống cũng tăng cường kết nối với các Bộ, ngành bằng cách áp dụng Cơ chế một cửa. Cơ chế này giúp người khai hải quan chỉ phải xuất trình thông tin một lần. Cơ quan hải quan sẽ xử lý thông tin và dữ liệu một lần, đồng thời và ra quyết định một lần cho việc giải phóng và thông quan hàng hoá. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang và sẽ tham gia các điều ước quốc tế về hải quan như Công ước quốc tế về Hài hòa và đơn giản hóa thủ tục hải quan (Công ước Kyoto), Hiệp định về việc thực hiện cơ chế một cửa ASEAN, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Theo đó, hệ thống dữ liệu của Việt Nam sẽ kết nối với hệ thống của các quốc gia khác. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ được sử dụng chung các chữ ký số điện tử để làm thủ tục thông quan tại các quốc gia thành viên, qua đó, đơn giản hóa thủ tục đối với hàng xuất khẩu.
giao dich tai chinh
Tuy nhiên, vị đại diện của EY Việt Nam cho rằng, trên thực tế, vẫn còn tồn đọng một số vấn đề khiến cả cơ quan Hải quan lẫn doanh nghiệp lúng túng. Cụ thể, đối với kê khai hải quan theo hệ thống điện tử, đây đó người khai hải quan vẫn được yêu cầu phải nộp tờ khai hải quan có đầy đủ chữ ký. Việc này làm cho kê khai hải quan điện tử trên thực tế không khác nhiều so với thủ tục hải quan truyền thống, vô hình trung làm mất đi tính ưu việt của phương thức điện tử. Thêm vào đó, một số chỉ tiêu trên tờ khai điện tử cũng không được phép thay đổi, mà điều này là phi thực tế do người khai hải quan không thể tránh khỏi các sai sót trong khi chuẩn bị hồ sơ thông quan.
 Trong trường hợp nộp thừa thuế GTGT ở khâu nhập khẩu, người khai hải quan phải tiến hành các thủ tục cần thiết để xin hoàn số thuế nộp thừa này, thay vì có thể kê khai khấu trừ hàng tháng hoặc bù trừ với số thuế phải nộp trong tương lai. Điều này gây thêm nhiều phiền hà và thủ tục hành chính, chưa tối ưu hóa nguồn lực. Đối với thủ tục kiểm tra giá hàng hóa nhập khẩu, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp phải thực hiện tham vấn với cơ quan hải quan tại khâu thông quan, thậm chí với những lô hàng tương tự từng nhập khẩu trong điều kiện giao dịch không đổi. Việc này dẫn đến bất cập trong việc tham vấn nhiều lần đối với cùng loại hàng hóa là việc làm tốn thời gian và không cần thiết.
 Cuối cùng với thủ tục hành chính hải quan thanh khoản hàng hóa, theo bà Hương Vũ, hiện nay doanh nghiệp thanh khoản phải thực hiện khai báo mã hàng và các tiêu thức khác. Tuy nhiên, do phần mềm của cơ quan Hải quan không đủ các trường để ghi chi tiết thông tin hoặc không đủ khả năng đáp ứng dung lượng lớn nên nhiều khi cơ quan hải quan yêu cầu doanh nghiệp gộp một số mã hàng chi tiết thành mã gộp để khai vào hệ thống phần mềm. Trong khi đó doanh nghiệp vẫn phải lưu giữ tất cả các thông tin chi tiết về hàng hóa phục vụ cho sản xuất, quản lý tại doanh nghiệp cũng như yêu cầu kiểm tra của cơ quan Hải quan kiểm tra, dẫn đến việc tồn tại hai hệ thống thông tin là hệ thống phần mềm của cơ quan hải quan và hệ thống quản lý của doanh nghiệp. Hai hệ thống này trên thực tế có sự chênh lệch do hình thức lưu trữ và báo cáo khác nhau, khi cơ quan hải quan kiểm tra sẽ không xác định được là lỗi cố ý gian lận hay lỗi của hệ thống, thường cơ quan hải quan sẽ xử phạt doanh nghiệp. Việc xử phạt như vậy luôn dẫn đến những tranh chấp không có hồi kết giữa hải quan và doanh nghiệp, đôi khi có thể tạo ra những sách nhiễu không đáng có.
“Ngành Hải quan cũng như các Bộ, ngành khác đang hướng tới một cơ chế hành chính hải quan minh bạch, đơn giản trên cơ sở áp dụng các tiêu chí quản lý rủi ro. Một bộ tiêu chí quản lý rủi ro công khai và rõ ràng không chỉ giúp cơ quan hải quan vận hành “thông minh” hơn, mà còn hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hơn, tránh được những trở ngại hành chính trong quá trình hoạt động kinh doanh”- bà Hương Vũ mong đợi.